Tăng cường ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành  để phòng, chống Covid-19
Ngày xuất bản: 05/04/2020

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Chính phủ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chỉ đạo và điều hành công việc, giải quyết thủ tục hành chính.

Thời gian qua, hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước đã được triển khai tích cực, đạt những kết quả nhất định, được cộng đồng và nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, ngoài việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh, sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng, nghiên cứu phương thức phòng, chống, phác đồ điều trị, phát động toàn dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe... thì biện pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, học tập là hết sức cần thiết.

Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký, sử dụng các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Việc ứng dụng CNTT nhằm mục đích hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, bảo đảm hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước và đáp ứng yêu cầu cấp thiết liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, cơ quan, đơn vị, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để hạn chế việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp.

Các bộ, ngành và các địa phương ưu tiên nguồn lực, hoàn hành việc tích hợp, cung cấp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo kế hoạch năm 2020 của bộ, ngành, địa phương trên Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia để đẩy mạnh thanh toán trực tuyến các loại phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu bộ phận một cửa các cấp, căn cứ vào tình hình thực tiễn của bộ, ngành, địa phương cần bố trí nhân sự hợp lý và các điều kiện cần thiết cho việc phòng, chống lây nhiễm dịch Covid-19 để phục vụ hiệu quả đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp.

Đề nghị các bộ, ngành và địa phương thực hiện triệt để việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; bảo đảm hoàn thành việc gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền trước ngày 30/6/2020 và chỉ tiêu xử lý hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng (80% đối với cấp bộ; 60% đối với cấp tỉnh và 30% đối với cấp huyện).

Các bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp với văn phòng Chính phủ để triển khai mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) tới điểm cầu của các bộ, ngành.

Ngoài ra, cần tổ chức họp, làm việc trực tuyến đối với các cuộc họp của bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị thành viên Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Chính phủ tuyên truyền tới các thành viên về Cổng dịch vụ công quốc gia và khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký, sử dụng các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và người dân, cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia và gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực.

Đối với việc gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia, sau một năm hoạt động, đã có 1,6 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương giúp thay đổi phương thức làm việc, giảm thiểu văn bản giấy, tiết kiệm chi phí và thúc đẩy việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.

Sau gần 4 tháng đi vào hoạt động từ ngày 9/12/2019, đến nay đã có 226 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đưoc cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; trên 103 nghìn tài khoản đăng ký; 4,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và 27,5 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh kết quả ban đầu này cho thấy sự đón nhận của người dân, doanh nghiệp với các dịch vụ công được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tuy nhiên, để ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả, rất cần sự vào cuộc một cách đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ để người dân hiểu rõ những lợi ích mà CNTT mang lại.

Hiện nay, Việt Nam đã có 16 giải pháp CNTT được ứng dụng trong công tác phòng chống dịch Covid- 19 và đang phát huy hiệu quả. Các ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai theo 2 hướng là khối ứng dụng phục vụ cho chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch các cấp và khối ứng dụng cho người dân, bao gồmỨng dụng CNTT trong theo dõi, giám sát, quản lý, điều hành công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; khai báo y tế; truyền thông phòng, chống dịch. Các giải pháp ứng dụng CNTT đã và đang hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch, góp phần giúp Việt Nam kiểm soát tốt tình hình về dịch Covid-19 và các giải pháp này càng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trước diễn biến dịch phức tạp như hiện nay.

Duy Tuân

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0949396115                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin